Triển khai thực hiện Kế hoạch số 1099/KH-SGDĐT khảo sát sự hài lòng của học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đối với môi trường học tập, Sở GDĐT đã khảo sát 770 học sinh khối lớp 4, 5 thuộc 11 trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gồm: Trường Tiểu học Phường 5 (thành phố Sóc Trăng); Trường Tiểu học 2 Phường 2 (Vĩnh Châu); Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vĩnh Quới (Ngã Năm); Trường Tiểu học Phú Tân B (Châu Thành); Trường Tiểu học Kế Sách 2 (Kế Sách); Trường Tiểu học Thuận Hưng A (Huyện Mỹ Tú); Trường Tiểu học Thạnh Phú 2 (Mỹ Xuyên); Trường Tiểu học Hưng Lợi (Thạnh Trị); Trường Tiểu học Viên Bình A (Trần Đề); Trường Tiểu học An Thạnh Nam (Cù Lao Dung); Trường Trường Tiểu học Tân Hưng C (Long Phú). Nội dung khảo sát gồm: Môi trường vật chất, môi trường tinh thần và ý kiến đề xuất cải thiện môi trường học tập.
Khảo sát sự hài lòng của học sinh tiểu học đối với môi trường học tập tại
Trường Tiểu học Thuận Hưng A - huyện Mỹ Tú
Kết quả khảo sát cho thấy điểm hài lòng đối tượng (ĐHLĐT - điểm trung bình của tất cả câu hỏi mà đối tượng tham gia trả lời) tập trung nhiều nhất ở mức độ hài lòng (67%), tiếp đến là mức độ bình thường (27%). Mức độ không hài lòng và rất hài lòng chỉ chiếm từ 2%-3%.
Trong tổng số 20 câu hỏi thuộc lĩnh vực môi trường vật chất và môi trường tinh thần có 15 câu nhận được sự hài lòng của học sinh; đạt cao nhất là việc giáo viên dạy học và đánh giá, chấm điểm công bằng. Có 05 câu đạt ở mức đánh giá bình thường bao gồm: Không gian lớp học không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn bên ngoài; Nhà vệ sinh cho học sinh nam nữ riêng biệt, an toàn, sạch sẽ; Không có học sinh đánh nhau và bạo lực học đường; Các bạn trong lớp cư xử thân thiện, hòa đồng, đoàn kết; Lớp học có đủ đồ dùng, thiết bị dạy học.
Xét trên tổng mẫu khảo sát, 2 lĩnh vực môi trường vật chất và môi trường tinh thần đều được học sinh đánh giá ở mức khá cao. Tỷ lệ “Hài lòng” và “Rất hài lòng” đạt 68% đối với môi trường vật chất và 75% đối với môi trường tinh thần. Tỷ lệ “Bình thường” đạt từ 24% - 26%. Tỷ lệ “Không hài lòng” và “Rất không hài lòng” tập trung chủ yếu ở lĩnh vực Môi trường vật chất chiếm khoảng 7%.
Về điểm hài lòng chung (ĐHLC), xét trên tổng mẫu khảo sát, kết quả ĐHLC đạt 4,19[1] (trên mức hài lòng). Trong đó, có 8/11 trường có ĐHLC đạt trên mức hài lòng (4,00); cao nhất là Trường Tiểu học Viên Bình A (huyện Trần Đề) đạt 4,72.
Điểm hài lòng chung
[1] 5. Rất hài lòng, 4. Hài lòng, 3. Bình thường, 2. Không hài lòng, 1. Rất không hài lòng
Trên cơ sở kết quả khảo sát, Sở GDĐT đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu triển khai giải pháp nâng cao chất lượng môi trường học tập tại các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn cụ thể như sau:
1. Tuyên truyền để tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao nhận thức của nhân dân, của cán bộ quản lý, giáo viên về chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước đối với giáo dục, về ý nghĩa tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường học tập trong trường học nói chung, trong các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
2. Tăng cường công tác chỉ đạo đối với việc cải thiện chất lượng môi trường học tập ở các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có của các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; trên cơ sở đó, xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, với mục tiêu ưu tiên các hạng mục công trình: phòng học, thư viện, nhà vệ sinh. Kiểm tra và giám sát việc lập kế hoạch, tổ chức quản lý sử dụng, sửa chữa và bảo quản cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục để đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục.
3. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, từng bước đáp ứng tốt hơn về môi trường học tập (môi trường vật chất) ở các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Bố trí đủ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục theo quy định; bố trí đủ quỹ đất dành cho các cơ sở giáo dục theo chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục tại địa phương; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị giáo dục; đầu tư xây mới phòng học, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm bàn ghế, máy vi tính và các trang thiết bị chủ yếu để phục vụ dạy học.
4. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, tư tưởng, kỹ năng ứng xử sư phạm và rèn luyện phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy học và quản lý.
5. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh; chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; đổi mới các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh.
6. Thường xuyên kiểm tra môi trường học tập tại các cơ sở giáo dục nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế và giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến môi trường học tập của học sinh.